LỜI TRÁI TIM MUỐN NÓI – THÍCH TÂM LONG

Hoằng Pháp là ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam tổ chức khóa tu mùa hè dành cho thanh thiếu niên. Sau năm khóa tu, số lượng khóa sinh năm sau lại gấp đôi năm trước, điều ấy chứng tỏ chùa Hoằng Pháp đã rất thành công với khóa tu này. Theo báo cáo của ban tổ chức, khóa đầu tiên hơn 300 em tham dự, đến khóa thứ năm (năm 2009) thì số lượng vượt lên hơn 6.000 em. Con số hơn 6.000 thanh thiếu niên tham dự một khóa tu của Phật giáo, đã khẳng định một cách hùng hồn sức sống và tinh thần nhập thế của đạo Phật.

Với mục đích hoằng pháp lợi sinh, vì tiền đồ của đạo pháp và dân tộc, vì tương lai tốt đẹp của các em. Chùa Hoằng Pháp quyết định vượt qua mọi chướng ngại và đã đến được ngày hôm nay. Thực trạng của xã hội hiện nay là đạo đức thanh thiếu niên suy giảm rõ rệt. Hiện tượng học sinh đánh chém và hù dọa thầy giáo diễn ra như cơm bữa; học sinh đánh nhau chỉ vì chút trái tai gai mắt là chuyện thường; con cái cãi lời, đánh đập, xua đuổi cha mẹ là chuyện không hiếm; anh em vì tranh giành chút tư lợi mà đánh nhau là chuyện hằng ngày; tuổi trẻ tụ tập đi “bão”, hút chích, đánh bạc, nhậu nhẹt là chuyện không có gì lạ lẫm…

Đứng trước thực trạng ấy, người làm công tác giáo dục tâm linh nói riêng và những người có lương tri trong xã hội nói chung sẽ nghĩ gì? Chắc chắn ai cũng muốn tạo cho các em sân chơi thật bổ ích, muốn định hướng tương lai cho các em. Nhưng nói thì dễ, mà làm lại không đơn giản. Bởi để hiểu được tuổi trẻ muốn gì, nghĩ gì đó là điều hết sức quan trọng và khó. Nếu không “đi guốc” vào tâm tư các em, áp dụng những biện pháp chủ quan, sẽ phản tác dụng ngay lập tức.

Với suy nghĩ ấy, tăng chúng chùa Hoằng Pháp, dựa vào tiềm lực hiện có – thiên thời, địa lợi, nhân hòa; trên dưới một lòng đưa ra chiến lược và mô hình sân chơi hết sức thiết thực và “đắc nhân tâm”. Đó là tổ chức khóa tu dành cho lớp trẻ theo tinh thần Phật giáo, gieo hạt giống tỉnh thức, từ bi, hiểu và thương của Phật-đà vào mảnh đất tâm các em. Bên cạnh đó còn định hướng và giáo dục các em theo tinh thần “Bốn ân nặng” – ân cha mẹ, ân thầy bạn, ân quốc gia xã hội và ân Phật; “Nhân quả báo ứng” – hôm nay gieo những gì, mai sau sẽ hưởng thứ ấy; “Nghiệp báo” – phải chịu trách nhiệm những gì mình đã làm…của Phật giáo. Nhằm kết nối sợi dây truyền thông giữa con cái với ông bà, cha mẹ; dạy các em hướng thượng hướng thiện, làm lành lánh ác, dám nhận lãnh trách nhiệm…

Quả thực, “Phật, Bồ-tát không phụ người có tâm”. Nhờ Phật, Bồ-tát gia hộ, nên sau năm khóa tu, chùa đã tạo được niềm tin rất lớn cho cha mẹ các em. Đặc biệt, chính bản thân khóa sinh đã có nhiều sự chuyển hóa theo hướng tích cực. Các em đã biết thương yêu ông bà, cha mẹ, anh chị em; biết chọn hướng đi đúng cho cuộc đời. Đây là món quà và phần thưởng rất lớn mà các em dành cho ban tổ chức.

Được ban tổ chức tin tưởng và thương tình giao phó cho mạt nhân và thầy Tâm Long chăm sóc, tu tập chung với các em tại giảng đường khu A. Đây là niềm vui rất lớn đối với anh em mạt nhân, thấy mình có chút hữu dụng, có thể góp khả năng yếu kém vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh to lớn của chùa. Anh em mạt nhân quan sát thấy, sau mỗi thời pháp thoại nói về cha mẹ hoặc pháp đàm của các bạn kể về cuộc đời bất hạnh của mình, hầu hết tất cả các em đều rơi lệ. Anh em mạt nhân cảm nhận, trong những giọt lệ ấy là lời sám hối về những lỗi lầm đã phạm và lời yêu thương đến hai đấng sinh thành. Thiết nghĩ, nếu lúc ấy có cha mẹ trước mặt, các em sẽ chạy đến sà vào lòng nói lời xin lỗi và lời thương yêu.

Song, nếu để qua ngày mai, chưa chắc các em đã đủ can đảm nói, vì mắc cỡ, ngại ngùng, xấu hổ. Nói như thế, đồng nghĩa mạt nhân…cũng như vậy. Từ nhỏ đến lớn mạt nhân chỉ có nói “con yêu ba má” một lần duy nhất. Nhưng cũng đâu đủ can đảm nói trực tiếp, mà chỉ nói khi giảng đề tài “Khung Trời Tím” ở khóa tu mùa hè tại Đắk Lăk. Các em biết không, lần đó có ba má của mạt nhân đến dự, và mạt nhân mạnh dạn nói luôn. Nhưng nói xong, hạnh phúc vô cùng. Nhưng bây giờ bảo nói lại, thì…cho mạt nhân xin!

Đồng cảm với các em về điều đó, anh em mạt nhân quyết định tổ chức cuộc thi “Lời Trái Tim Muốn Nói”, nhằm giúp các em kể lại những kỷ niệm đẹp về người thương của mình, đồng thời nói ra những lời ấp ủ trong tim. Thật bất ngờ, sau khi khóa tu kết thúc, anh em mạt nhân đã nhận được gần 500 bài dự thi. Một con số không nhỏ! Anh em mạt nhân hứa sẽ biên tập và làm thành sách trong vòng 4 tháng. Nhưng, do học hành và công việc, mãi đến hôm nay anh em mạt nhân mới có thời gian biên tập. Mạt nhân xin lỗi các em về sự trễ nãi này. Các em có hoan hỉ tha lỗi cho mạt nhân không?

Trong quá trình biên tập, anh em mạt nhân thấy có nhiều bài viết tình cảm tương tự nhau, do đó quyết định chọn theo kiểu hên xui. Trân trọng tình cảm chân thật của các em, anh em mạt nhân quyết định giữ nguyên văn phong và cách xưng hô của các em ở từng vùng miền. Đối với những chỗ cần chỉnh sửa thì chỉnh sửa chút chút, không làm biến thể nội dung và văn phong bài viết. Anh em mạt nhân trân trọng tất cả tình cảm của các em, nhưng do giới hạn của tập sách và tính chất hên xui, vì thế những bài không được chọn, mong tác giả và người thương của tác giả hết sức hoan hỉ.

Cuối lời xin gửi lời tri ân đến ban tổ chức khóa tu và toàn thể các em ở giảng đường khu A, đã giúp đỡ anh em mạt nhân làm được việc mà sức lực nhỏ bé của cá nhân không thể làm được. Nguyện đem công đức lành có được từ tập sách này, hồi hướng hết cho ban tổ chức và các em. Nguyện đời đời kiếp kiếp làm bạn đạo của nhau, cùng sách tấn nhau trên đạo lộ hướng về Phật quả!

 

 

Reviews

There are no reviews yet.

Be the first to review “LỜI TRÁI TIM MUỐN NÓI – THÍCH TÂM LONG”